Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

LUẬT HỌC SO SÁNH VỚI VIỆC NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT NƯỚC NGOÀI

Nguồn thông tin về hệ thống pháp luật nước ngoài: Rõ ràng điều kiện tiên quyết cơ bản để nghiên cứu pháp luật nước ngoài là khả năng có được những thông tin chính thức, cập nhật các nguồn thông tin đáng tin cậy. Ngày nay, cùng với sự lan tỏa của internet và các công cụ tìm kiếm, người nghiên cứu không còn vất vả lắm để tìm cách tiếp cận các thông tin pháp luật nước ngoài. Vấn đề quan trọng là, các nguồn thông tin có được kiểm chứng hay không? Người nghiên cứu cần phải chắc chắn rằng có được các nguồn thông tin chính thức như các đạo luật, quy định, báo cáo, án lệ … của đất nước có hệ thống pháp luật cần nghiên cứu.
Đôi khi việc sử dụng các nguồn thông tin thứ cấp như sách giáo khoa, các sách tham khảo, các bài báo trong các tạp chí… lại có những ưu thế nhất định khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài. Vì chúng có tính đáng tin cậy và đều đã được cô đọng và phân loại.
Giải thích và sử dụng các nguồn luật nước ngoài: Có một thực tế là các luật sư Anh, Mỹ khi nghiên cứu pháp luật châu Âu lục địa, tiếp cận đến các văn bản pháp luật nhưng vẫn hoài nghi nó chưa được khẳng định xử lý bởi các cơ quan Tòa án tối cao, để được coi là có hiệu lực một cách đáng tin cậy. Ngược lại, đối với các luật sư từ các nước châu âu lục địa khi nghiên cứu hệ thống pháp luật Anh – Mỹ thì chỉ tiếp cận đến các văn bản pháp luật (đạo luật) mà không bận tâm đến những án lệ. Ví dụ: Luật sư Anh khi nghiên cứu luật Thụy Điển có thể có nguy cơ xem nhẹ tầm quan trọng của các dự thảo luật và luật sư Thụy Điển khi nghiên luật của Anh quốc cũng có nguy cơ phải sai lầm theo hướng ngược lại. Việc quá đề cao đến án lệ hoặc văn bản pháp luật của các nhà luật học châu âu lục địa hay Anh – Mỹ khi tiếp cận đến hệ thống pháp luật của nhau là sai lầm thường thấy. Vì lẽ, sự thật là trong cả hai hệ thống pháp luật (cilil law hay common law), các luật thành văn và các phán quyết của Tòa án đều là các nguồn luật cho dù vị trí của chúng có khác nhau.
Về vấn đề giải thích luật: Các nguồn luật nước ngoài nên được giải thích như chúng được giải thích tại các nước đã sản sinh ra các nguồn luật ấy. Nếu muốn hiểu một cách chính xác ý nghĩa của đạo luật hay phán quyết của Tòa án nước ngoài thì không thể giải thích các đạo luật hoặc phán quyết đó theo tinh thần của hệ thống pháp luật của nước mình. Đối với hệ thống pháp luật Anh – Mỹ có xu hướng giải thích các hệ thống pháp luật căn cứ vào tinh thần của lời văn, còn đối với hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa tập trung vào tinh thần của các quy định pháp luật.
Nghiên cứu luật nước ngoài đặt trong mối quan hệ tổng thể: Chú ý đến cấu trúc hệ thống pháp luật: Có thể cách phân chia hệ thống của hệ thống pháp luật nước ngoài hoàn toàn khác với cách phân chia hệ thống pháp luật nước của người nghiên cứu. Chẳng hạn, pháp luật của Liên xô và cách đây không lâu, cả pháp luật của Anh trong chừng mực nào đó cũng không có sự phân chia thành luật công và luật tư. Mặt khác, hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa lại không có cách phân chia mà luật của Anh có, như phân chia thành “luật” và “luật công bình”.
Một yếu tố khác không nên bỏ qua đó là các nhà làm luật nước ngoài thậm chí ở một đất nước có các ngành luật tương tự như đất nước của người nghiên cứu có thể sẽ chọn phương pháp khác để đạt được mục đích tương tự và điều đó có nghĩa là các quy định pháp luật có liên quan sẽ nằm ở một bộ phận khác trong hệ thống pháp luật. Ví dụ: Nếu luật gia Thụy Điển quan tâm tới các quy định của pháp luật về trợ cấp xã hội cho gia đình đông con ở Pháp anh ta không nên tự giới hạn việc nghiên cứu trong các quy định của luật về an sinh xã hội như ở Thụy Điển (trợ cấp cho trẻ em, trợ cấp nhà…), bởi vì ở Pháp chính phủ sẽ chia sẻ phần lớn sự trợ giúp tài chính với các gia đình đông con không thông qua hình thức trợ cấp xã hội mà thông qua các quy định của luật thuế dưới hình thức giảm một mức thuế đáng kể cho các gia đình nêu trên, trong khi ở Thụy Điển lại không sử dụng biện pháp này. Có thể khẳng định ta không nên “cắt rời” một chi tiết trong hệ thống pháp luật nước ngoài và chỉ nghiên cứu chi tiết đó mà không tính đến mối quan hệ của chi tiết đó tới các phần còn lại của hệ thống pháp luật.
Bối cảnh xã hội và mục tiêu của các quy định pháp luật : Hệ thống pháp luật là hiện tượng xã hội và chỉ thể hiện bình diện nhất định của xã hội. Vì vậy, không thể tách rời hệ thống pháp luật và các hệ thống xã hội khác mà cần phải có sự quan tâm đến mục tiêu của các quy định trong bối cảnh xã hội đó. Ví dụ: Giả sử nhà nước ban hành đạo luật yêu cầu các cơ quan thuê mướn nhân công phải có nghĩa vụ chi trả học phí học ngôn ngữ cho công nhân nước ngoài mới được tuyển dụng. Xét trên bề mặt, dường như đạo luật này có lợi cho dân nhập cư nhưng thực ra ý đinh và tác dụng của nó lại hạn chế nhập cư bằng cách không khuyến khích các cơ quan sử dụng lao động thuê mướn người nhập cư, và bằng cách đó giảm tỉ lệ thất nghiệp của người lao động trong nước. Như vậy, những luật gia nước ngoài thiếu hiểu biết về bối cảnh của nước này (hiện trạng nền kinh tế, mức độ thất nghiệp, chính sánh nhập cư) dễ có cái nhìn sai lầm về mục đích thực sự của quy định pháp luật nêu trên cũng như tác động thực tế của nó.
Không phải hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở giống nhau thì thường tương tự nhau. Các quy định và thiết chế pháp luật giống nhau hoặc tương đồng có thể có những vai trò khác nhau trong các xã hội khác nhau. Ví dụ: Các nước XHCN trước đây ở Đông âu có đạo luật về bảo vệ nhãn mác thương mại rất phát triển, rất chi tiết cho dù nó không có mục đích thực tiễn vì ở các nước khi đó không có thị trường cạnh tranh. Tuy vậy, các nước XHCN này do phải tuân thủ các công ước quốc tế mà họ tham gia nhằm bảo vệ nhãn mác thương mại của chính mình trên thị trường thế giới thì đã ban hành pháp luật về nhãn mác thương mại.
Khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài thì chúng ta phải nghiên cứu các hiện tượng văn hóa, lịch sử, đạo đức… Vì tri thức về các lĩnh vực khác nhau của xã hội có hệ thống pháp luật cần nghiên cứu có giá trị không chỉ khi chúng ta muốn xem xét chức năng của một số quy phạm pháp luật mà ngay cả khi ta muốn tìm hiểu cách thức xã hội đó giải quyết những vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh. Ví dụ: Tới ngày 1/1/1993, ở Thụy Điển, quan hệ pháp luật giữa những người tổ chức du lịch và khách hàng không có quy định pháp luật nào điều chỉnh nhưng trên thực tế các tờ quảng cáo hoặc trong các băn bản hợp đồng thì các tổ chức đều viện dẫn đến “các quy định chung về du lịch” do tổ chức thương mại của các nhà tổ chức du lịch phối hợp với tổ chức thanh tra khách hàng ban hành.
Vấn đề dịch thuật ngữ: Khi dịch thuật ngữ thì phải dựa trên quan điểm pháp luật của nước sở tại. Đôi khi sẽ cảm thấy khó khăn khi từ ngữ thì giống nhau nhưng cách hiểu thì khác nhau và đôi khi từ ngữ sử dụng trong nhiều hệ thống pháp luật là khác nhau nhưng cách hiểu là giống nhau. Ví dụ: “hội thẩm nhân dân” và “bồi thẩm đoàn” hay “tổng công ty” và “Tập đoàn công ty.
Xác định phạm vi pháp luật hiện hành:  Đối với một số hệ thống pháp luật thế giới thì pháp luật không dừng lại văn bản mà còn thể hiện ở phong tục, tập quán, tôn giáo… Một hiện tượng thường xảy ra đối với hầu hết các hệ thống pháp luật là một số quy định pháp luật sẽ trở thành lỗi thời, nghĩa là cho dù các quy định ấy có thể về mặt chính thức vẫn còn hiệu lực nhưng trên thực tế người ta đã không còn áp dụng chúng nữa. Một số quy định ở các hệ thống pháp luật dù có ý nghĩa trên giấy tờ còn khả năng thi hành của nó thì không có.
Hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới luôn luôn có điểm tương đồng
Điều đó nói lên rằng trong lòng xã hội sự khác biệt của pháp luật không phải cách xa nhau mà có nhiều điểm tương đồng, tương tự nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét